Header

Cách thế giới xử lý hai tỷ tấn rác thải trên toàn cầu



Tái chế, tìm kiếm vật liệu thay thế hay phát triển công nghệ mới là ba trong những biện pháp đang được thế giới sử dụng để đối phó khủng hoảng rác thải.

Hồi tháng 5, trong lúc Bộ trưởng Môi trường Malaysia Yeo Bee Yin thông báo với các phóng viên rằng nước này sẽ gửi trả số rác thải nhiễm giòi về nơi xuất xứ, mùi hôi thối vẫn không ngừng bốc ra từ một container chứa rác thải tại cảng Klang.

Bộ trưởng Yeo đã đề cập tới một mối lo lắng đang lan rộng khắp Đông Nam Á về việc các nước trong khu vực trở thành "bãi rác" chứa chất thải cho những quốc gia giàu có. Từ tháng một đến tháng 11 năm ngoái, khoảng 5,8 triệu tấn rác được xuất khẩu tới các nước Đông Nam Á, chủ yếu từ Mỹ, Nhật Bản và Đức.

Giờ đây, chính phủ các nước châu Á bắt đầu nói không với việc nhập khẩu rác thải để cung cấp cho những nhà máy tái chế rác thải nhựa, hoạt động vốn được duy trì suốt hàng thập kỷ qua. Khi ngày càng nhiều rác thải đổ về, các quốc gia nhập khẩu sẽ phải đối mặt với thách thức là xử lý lượng rác thải khó tái chế.

"Thông thường, 70% lô hàng rác thải có thể được xử lý, 30% còn lại là thực phẩm nhiễm bẩn", Thomas Wong, giám đốc Impetus Conceptus Pte, công ty Singapore chuyên xử lý rác thải nhựa sản xuất tại địa phương trước khi gửi chúng tới các nhà máy tái chế, cho hay.

Rác thải không thể tái chế phải được gửi đến các lò đốt rác hoặc bãi rác, song nhiều đơn vị tái chế chỉ "tìm một góc rồi đốt chúng", Wong nói.

Việc Trung Quốc cấm nhập khẩu rác thải hồi tháng 1/2018 đã tạo ra "hiệu ứng domino". Những lô hàng rác thải được chuyển hướng tới Đông Nam Á và gây ra hiện tượng quá tải, buộc chính phủ các nước phải hành động.

Malaysia ban hành lệnh cấm nhập khẩu rác vào tháng 10/2018. Thái Lan ngừng cấp giấy phép nhập khẩu từ năm ngoái và dự kiến ban lệnh cấm vào năm 2020. Philippines cho biết đã gửi trả 69 container rác thải cho Canada. Indonesia thông báo sẽ thắt chặt luật nhập khẩu rác thải sau khi phát hiện các lô hàng chứa rác thải độc hại.

Bộ trưởng Yeo cho hay rác thải hiện vẫn xâm nhập vào nước này trong những lô hàng được khai báo sai nhưng chính phủ hy vọng sẽ ngăn chặn hoàn toàn tình trạng trên vào cuối năm nay.

Khi Đông Nam Á từ chối nhập rác thải, các công ty sẽ phải tìm những địa điểm khác, châu Phi có thể là đích đến tiếp theo, Wong nhận định.

Tuy nhiên, truyền thông xã hội đã khiến nhận thức của công chúng về vấn đề này ở các nước đang phát triển và cả những quốc gia giàu có xuất khẩu rác thải được nâng cao đáng kể. Vì thế, việc xuất khẩu rác thải không mong muốn sẽ ngày càng trở nên khó khăn hơn.

"Tất cả mọi người đều có thể nêu lên ý kiến của mình về rác thải", Yash Lohia, giám đốc điều hành công ty Indorama Ventures Pcl, trụ sở ở Bangkok, Thái Lan, chuyên sản xuất và tái chế nhựa, nói. "Nhờ thế, các nước bắt đầu nhìn nhận vấn đề một cách nghiêm túc hơn".

Thông điệp dài hạn đối với mọi quốc gia đã rõ: Hãy tự xử lý rác thải của chính mình. Nhưng làm thế nào để thực hiện điều đó? Con người tạo ra 2,01 tỷ tấn chất thải rắn vào năm 2016 và đến năm 2050, con số có thể tăng lên 3,4 tỷ tấn, theo Ngân hàng Thế giới. Khoảng 12% số rác thải đô thị năm 2016 là nhựa, tương đương 242 triệu tấn.

Giải pháp có thể nằm ở những công nghệ mới và sự thay đổi hành vi xã hội giúp làm giảm hoặc loại bỏ hoàn toàn nhu cầu đối với các bãi chôn lấp hoặc lò đốt rác.

Tại nhiều nơi, rác thải có thể được đốt để sản xuất điện. Ở Singapore, tro đốt rác còn được dùng để xây đảo nhân tạo. Tuy nhiên, phương pháp này rất đắt đỏ. Dioxin và các khí thải khác tạo ra trong quá trình đốt cần được xử lý bằng bộ lọc bụi tĩnh điện và vôi bột. Mặt khác, nó vẫn tạo ra khí nhà kính gây hại cho môi trường.

Chất thải rắn có thể được khí hóa ở nhiệt độ cao bằng cách sử dụng đèn khò plasma nhằm tạo ra khí tổng hợp, kim loại và xỉ đá thủy tinh. Công ty Maharashtra Enviro Power Ltd. tại Pune, Ấn Độ, đã biến chất thải nhà máy nguy hại thành nhiên liệu cho nồi hơi.

Những năm 1990, nghệ sĩ Joseph-Francis Sumegne đã lùng sục vô số bãi rác để tìm kiếm rác thải tạo nên tượng Nữ thần Tự do mới cao 12 m ở Douala, Cameroon.

Nghệ nhân Oscar Villamiel người Philippines lại thu gom hàng nghìn đầu búp bê và mảnh vụn từ bãi rác ở Manila để xây dựng nên Bảo tàng rác thải Payatas vào năm 2012. Trong khi đó, tác phẩm điêu khắc rác thải "Real is Rubbish 2002" của bộ đôi điêu khắc Anh Tim Noble và Sue Webster đã được bán đấu giá với giá 75.000 USD.

Phân loại rác là một công việc vất vả song công nghệ tự động hóa đang khiến quá trình này trở nên hiệu quả hơn. Công ty ZenRobotics Ltd. ở Helsinki đã phát triển robot thu gom gỗ và kim loại từ băng chuyền rác.

Còn tại Angelholm, Thụy Điển, nơi được xếp hạng quốc gia đô thị tốt nhất về quản lý chất thải, công ty thu gom rác NSR AB sử dụng chùm tia hồng ngoại nhằm xác định các loại nhựa khác nhau khi rác được đẩy lên băng chuyền. Sau đó, luồng khí phản lực sẽ loại bỏ các vật dụng bằng nhựa, giữ lại bao bì không thể tái chế và chất thải hữu cơ rồi chuyển đến lò đốt để sản xuất điện.

Bên cạnh đó, những hệ thống trí tuệ nhân tạo đang được phát triển nhằm khiến quá trình xử lý rác trở nên hiệu quả hơn. "Robot có khả năng là một giải pháp thay thế hữu ích trong tương lai, nếu chúng học được cách xác định các loại vật liệu nhựa và phân loại đủ nhanh", Pernilla Ringstrom, quản lý tại NSR, công ty chuyên thu thập nhựa để sản xuất thành composite tổng hợp, cho biết.

Tại Nhật Bản và châu Âu, tỷ lệ tái chế rác thải vượt xa Đông Nam Á bởi người dân đã thêm vào một bước rửa nhanh các chai lọ đựng dầu gội, sữa tắm, thực phẩm trước khi cho vào thùng rác, theo Wong. Thực phẩm, dầu gội và cà phê sót lại đều khiến việc tái chế rác thải nhựa trở nên khó khăn hơn.

"Ở Singapore, chỉ 4% nhựa được tái chế và 96% còn lại bị vứt bỏ", Wong nói. "Tại Nhật và châu Âu, người dân cẩn thận hơn. Họ rửa rác thải để chúng không biến thành một mớ hỗn độn".

Đông Nam Á đối phó nguy cơ trở thành 'bãi rác' của các nước phát triển. Video: SCMP.

Taraph Technologies của Singapore là một trong những công ty đang nghiên cứu sử dụng vi khuẩn và các quá trình hữu cơ để giải quyết vấn đề rác. Họ khai thác các enzyme tự nhiên phân hủy nhựa và biến chúng thành hóa chất thường được dùng trong các nhà máy lọc dầu.

Các công ty và doanh nghiệp khởi nghiệp trên toàn thế giới đang tìm kiếm những sản phẩm thay thế cho nhựa. Ống hút giấy đang trở lại sau hàng loạt chiến dịch truyền thông xã hội rộng rãi. Hộp thực phẩm hoặc dao nĩa dùng một lần được làm từ ngũ cốc hoặc chất thải từ mía. Ở Việt Nam, một số nơi còn gói rau và thịt bằng lá chuối.

Công ty Plantics BV, trụ sở tại Hà Lan, đang sử dụng nhựa có nguồn gốc từ thực vật được sản xuất bằng cách kết hợp glycerol và axit citric, thay vì nhựa có nguồn gốc hóa dầu. Tập đoàn RWDC Industries của Singapore đã cho ra mắt Solon, một loại polymer phân hủy sinh học được sản xuất bằng cách lên men vi sinh các loại dầu thực vật.

"Nhựa mất vài giây để sản xuất, vài phút để sử dụng nhưng vài thế kỷ để phân hủy", Zhaotan Xiao, chủ tịch RWDC Industries khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nói. "Tại sao chúng ta lại phải tạo ra những thứ sử dụng một lần nhưng không thể phân hủy".

Cuối cùng, giải pháp tốt nhất là không sản xuất các loại rác không thể tái chế. Đây cũng là mục tiêu của người dân Kamikatsu, một ngôi làng miền núi Nhật Bản. Họ đã rửa bao bì nhựa gyoza và phân rác thành 45 loại. Xốp và nhựa bẩn được tái chế thành các cục nhiên liệu rắn, có thể đốt cháy, thay vì sử dụng than. Quần áo polyester được bán tại các cửa hàng đồ cũ ở địa phương. Nhựa sạch được các công ty thu gom để tái chế.

Akira Sakano, lãnh đạo Viện Không Rác thải của làng Kamikatsu, muốn đi xa hơn. Bà đang nỗ lực để loại bỏ việc sản xuất ra chất thải trong làng vào năm 2020. Một dự án thử nghiệm đang đề nghị các nhà cung cấp chất tẩy rửa dựng một gian hàng nơi mọi người có thể tới và tự đổ đầy chai nước tẩy rửa đã hết của mình.

"Chúng tôi đã có giải pháp trong tay. Những đổi mới, như trong lĩnh vực nhựa sinh học và công nghệ là cần thiết, nhưng làm thế nào để chúng ta biến kiến thức về vật liệu bền vững trong văn hóa hoặc cộng đồng của chúng ta thành cuộc sống hiện đại?", Sakano nói.


Người nhặt rác tại bãi rác Sidoarjo ở Đông Java, Indonesia. Ảnh: AFP.

Vũ Hoàng (Theo SCMP)

No comments

Powered by Blogger.